Thời kỳ trị vì sau Bắc Tề Văn Tuyên Đế

Tây Ngụy tuyên bố cháu trai của Lương Nguyên Đế là Tiêu Sát trở thành hoàng đế của triều Lương, song hành động này không được hầu hết các tướng Lương công nhận, và người đứng đầu trong số họ là Vương Tăng Biện (王僧辯) đã đón con trai của Nguyên Đế là Tấn An vương Tiêu Phương Trí đến cố đô Kiến Khang của Lương, lập Tiêu Phương Trí làm Lương vương vào mùa xuân năm 555 và chuẩn bị để lập người này làm hoàng đế. Tuy nhiên, Văn Tuyên Đế lại có một ý tưởng khác, ông đã lập em họ của Nguyên Đế là Trinh Dương hầu Tiêu Uyên Minh (bị Đông Ngụy bắt giữ vào năm 547 khi Lương phái quân giúp Hầu Cảnh chống Đông Ngụy) làm hoàng đế Lương, Văn Tuyên Đế đã phái hoàng đệ là Thượng Đảng vương Cao Hoán (高渙) dẫn quân hộ tống Tiêu Uyên Minh về Lương. Văn Tuyên Đế đã viết thư thuyết phục Vương Tăng Biện tiến cử Tiêu Uyên Minh làm hoàng đế, lập luận rằng Tiêu Phương Trí còn quá nhỏ tuổi (12 tuổi). Vương Tăng Biện ban đầu không chấp thuận Tiêu Uyên Minh, song sau khi các tướng của mình để thua Cao Hoán trong một vài trận đánh, ông ta đã quyết định phục tùng. Tiêu Uyên Minh trở thành hoàng đế của triều Lương, song triều đại này đã trở thành một chư hầu của Bắc Tề.

Tuy nhiên, chỉ bốn tháng sau đó, tình thế đã thay đổi. Do không hài lòng về việc Tiêu Uyên Minh lên ngôi, Trần Bá Tiên đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào Kiến Khang từ căn cứ của mình tại Kinh Khẩu (京口, nay thuộc Trấn Giang, Giang Tô), giết chết Vương Tăng Biện và buộc Tiêu Uyên Minh phải thiện nhượng cho Tiêu Phương Trí, tức Kính Đế. Ban đầu, Trần Bá Tiên tuyên bố rằng Lương vẫn nguyện làm chư hầu, và Tuyên Văn Đế đã phái Tư Mã Cung (司馬恭) đến tuyên thệ với các quan triều Lương. Tuy nhiên, khi một vài tướng trung thành với Vương Tăng Biện nổi dậy chống lại Trần Bá Tiên sau cái chết của chủ tướng, Văn Tuyên Đế đã thay đổi ý định, đặc biệt là sau khi hai người là Từ Tự Huy (徐嗣徽) và Nhâm Ước (任約) quy phục ông, thực hiện một cuộc đột kích vào Thạch Đầu thành gần Kiến Khang và chiếm được thành. Văn Tuyên Đế phái tướng Tiêu Quỹ (蕭軌) đến trợ giúp cho Từ Tự Huy và Nhâm Ước. Tuy nhiên, quân của Trần Bá Tiên đã đánh bại quân Bắc Tề cùng quân của Từ và Nhâm, và trợ thủ của Tiêu Quỹ là Liễu Đạt Ma (柳達摩) bị quân Trần Bá Tiên vây hãm tại Thạch Đầu thành nên phải cầu hòa. Trần Bá Tiên chấp thuận, song đến khi Liễu Đạt Ma trở về Bắc Tề, ông ta đã bị Văn Tuyên Đế ra lệnh hành quyết.

Trong lúc tiến hành chiến dịch chống Lương, Văn Tuyên Đế đã thể hiện sự thất thường ngày càng tăng của mình, ông đố kỵ trước thực tế rằng người thiếp Tiết thị của mình trước đây đã từng có một mối quan hệ tình dục với Cao Nhạc, vì thế ông đã buộc Cao Nhạc phải tự sát. Sau đó ông chặt đầu Tiết thị và giữ thủ cấp của bà trong ống tay áo. Tại một bữa tiệc ngay trong hôm nó, ông đã quăng thủ cấp của Tiết thị lên một cái đĩa và cắt thi thể của bà thành nhiều mảnh, bắt đầu đùa giỡn với chân của bà, khiến tất cả những người dự tiệc sửng sốt. Cuối bữa tiệc, ông bọc các phần thi thể của Tiết thị lại và bắt đầu khóc lóc.

Vào mùa thu năm 555, Văn Tuyên Đế trở nên tin chắc rằng Phật giáoĐạo giáo nên là một tôn giáo, và một trong hai cần phải sáp nhập vào cái còn lại. Ông đã lệnh cho các tu sĩ Phật giáo và Đạo giáo hàng đầu tranh luận trước mặt mình, và ông tuyên bố rằng các Phật tử là những người chiến thắng, lệnh cho Đạo giáo phải hợp nhất vào Phật giáo và các tu sĩ Đạo giáo phải trở thành sư. Ban đầu, một số tu sĩ Đạo giáo không chấp thuận thánh chỉ này, song sau khi bốn tu sĩ bị hành quyết, những người khác đã chịu khuất phục, còn Đạo giáo bị nghiêm cấm trong lãnh thổ Bắc Tề.

Vào mùa xuân năm 556, các trận chiến biên giới giữa Bắc TềLương tái bùng phát, Bắc Tề chuẩn bị tiến hành chiến dịch khác chống lại Lương. Đến mùa hè năm 556, quân Bắc Tề trở lại bờ nam Trường Giang, hoạt động tại vùng phụ cận Kiến Khang, song lâm vào thế bế tắc trước quân Lương, cuối cùng bị Trần Bá Tiên và các tướng lĩnh của ông ta đánh bại sau khi cạn nguồn lương thảo. Một số tướng Bắc Tề đã bị Lương bắt được và hành quyết, đáp lại, Văn Tuyên Đế cho giết Trần Đàm Lãng (陳曇朗)- con tin của Lương tại Bắc Tề.

Vào lúc này, các hành động thất thường của Văn Tuyên Đế ngày càng lớn về phạm vi, bắt nguồn từ chứng nghiện rượu của ông. Như mô tả của Tư Mã Quang trong Tư trị thông giám:

... [Văn Tuyên Đế] uống rất nhiều và sống phóng đãng, thực hiện các hành vi cuồng bạo theo ý muốn nhất thời của mình. Đôi khi ông ca hát và nhảy múa từ ngày đến đêm. Đôi khi ông trải tóc mình ra và mặc Hồ phục với khăn quàng màu sắc. Đôi khi ông để lộ hình thể và bôi phấn son. Đôi khi ông cưỡi lừa, bò, lạc đà, hoặc voi trắng mà không dùng yên. Đôi khi ông lệnh cho Thôi Quý Thư hoặc Lưu Đào Chi (劉桃枝) đến vác mình và một cái trống lớn để ông có thể đánh trống. Ông thường tiến hành tấn công bất ngờ vào tư gia của các quan lại quý tộc và hoàng thân quốc thích. Ông thường đi qua các đường phố, đôi khi ngồi trên đường phố và thậm chí đôi khi ngủ ở đó. Đôi lúc khi thời tiết ấm áp, ông có thể để lộ hình thể để đắm mình trong ánh nắng mặt trời, song thậm chí ngay cả vào mùa đông giá rét, ông cũng trần truồng và chạy xung quanh. Các đầy tớ của ông không thể chịu đựng được hành vi của ông, song bản thân ông không quan tâm.... Một lần, khi ông hỏi một người đàn bà trên đường, "Thiên tử ta đây như thế nào?" Người đàn bà này đáp lại, "Điên điên si si, có Thiên tử nào như vậy đâu." Ông đã ra lệnh chặt đầu người đàn bà này.

Một lần, khi ông say rượu và hành động một cách phi lý, Lâu thái hậu đã quở trách ông, đáp lại, ông đe dọa rằng sẽ gả bà cho một người Hồ cao tuổi. Đến khi Thái hậu trở nên tức giận, ông sợ hãi và muốn chọc để bà cười, vì thế ông đã bò trên mặt đất dưới chỗ bà ngồi, song ông đã vô tình làm bà bị thương trong lúc bày trò. Sau khi bình tĩnh lại, ông nhận ra rằng bản thân mình đã làm mẹ bị thương, nên ông đã đốt một đám lửa lớn, có ý nhảy vào để tự sát, khiến Thái hậu phải tóm lấy để cứu ông. Sau đó, Văn Tuyên Đế cam kế sẽ không uống rượu nữa, song đã chỉ làm được điều này trong 10 ngày.

Ông cũng từng bắn một mũi tên vào nhạc mẫu Thôi thị (mẹ của Lý hoàng hậu) và đánh roi bà. Thậm chí, có tường thuật rằng hầu hết các phụ nữ trong hoàng tộc họ Cao đều đã bị buộc phải quan hệ tình dục với ông vào lúc này hay lúc khác. Khi người thiếp của Cao Hoan là Bành Thành thái phi Nhĩ Chu Anh Nga từ chối, Văn Tuyên Đế đã tự tay giết chết bà. Văn Tuyên Đế cũng trở thành một kẻ sát nhân khi uống rượu, ông luôn muốn giết người khi say. Dương Âm do đó đã lập ra một nhóm các tù nhân đã bị kết án để cho cấm quân có thể sử dụng nếu Văn Tuyên Đế muốn giết ai đó, một tù nhân bị kết án sẽ được đưa đến để Văn Tuyên Đế hành quyết, và nếu một tù nhân có thể sống sót trong vòng ba tháng mà không bị giết, anh ta sẽ được phóng thích.

Tuy nhiên, mặc dù có hành vi thất thường, Văn Tuyên Đế vẫn chú tâm vào nhiều vấn đề quan trọng, và do sự thô bạo của ông, các quan Bắc Tề đã không giám hủ bại. Hơn nữa, Dương Âm là một đại thần có tài, và Văn Tuyên Đế đã ủy thác đủ quyền lực để người này thi hành pháp luật. Do đó, mặc dù hoàng đế bạo lực và mất trí, song chính quyền Bắc Tề vẫn hoạt động hiệu quả.

Vào mùa đông năm 557, tin vào lời tiên tri rằng Cao Hoán sẽ trở thành hoàng đế, Văn Tuyên Đế đã ra lệnh bắt giữ Cao Hoán. Cao Hoán đã cố gắng chống lại, song vẫn bị bắt và bị giải đến Nghiệp thành. Khi một hoàng đệ là Vĩnh An vương Cao Tuấn (高浚) gửi nhiều kiến nghị thúc giục ông thay đổi hành vi của mình, Văn Tuyên Đế cũng đã cho bắt giữ Cao Tuấn, hai vị thân vương bị giam cầm trong địa lao.

Cũng vào mùa đông năm 557, Trần Bá Tiên đã buộc Lương Kính Đế phải thiện nhượng cho mình, thiết lập triều đại Trần, và rồi giết chết Kính Đế vào năm 558. Tướng Vương Lâm khi đó đang kiểm soát Hồ Nam và đông bộ Hồ Bắc hiện nay, đã từ chối quy phục triều Trần và tìm cách suy trì Lương thất. Do đó, Vương Lâm đã thỉnh cầu Bắc Tề đưa Vĩnh Gia vương Tiêu Trang về nước làm hoàng đế. Vào mùa xuân năm 558, quân Bắc Tề đã hộ tống Tiêu Trang đến lãnh địa của Vương Lâm, và Vương Lâm tuyên bố Tiêu Trang là hoàng đế, trở thành một chư hầu của Bắc Ngụy, với kinh thành đặt tại Giang Hạ (江夏, nay thuộc Vũ Hán, Hồ Bắc).

Vào thời điểm này, các chiến dịch quân sự của Văn Tuyên Đế và các hành động lãnh phí khác đã khiến ngân khố kiệt quệ. Ông cũng trở nên không hài lòng với người con trai trưởng Cao Ân, cho rằng Cao Ân có hành vi quá giống với người Hán, và tính đến việc phế truất ngôi vị hoàng thái tử của Cao Ân. Trong một lần, ông đã ra lệnh cho Cao Ân phải tự tay hành quyết một tù nhân, song Cao Ân đã không thể tự mình làm điều này, vì thế Văn Tuyên Đế đã đánh con trai bằng một cán roi da, khiến Cao Ân bị chứng khủng hoảng tinh thần và nhiều khi không thể nói được. Khi Văn Tuyên Đế say rượu, ông thường tuyên bố rằng cuối cùng sẽ truyền lại đế vị cho hoàng đệ Cao Diễn, và ông chỉ dừng lời khi Dương ÂmNgụy Thâu thúc giục, họ cho rằng những lời nói của ông sẽ gây bất ổn định khi gây ra nghi ngờ về việc ai sẽ là người kế nhiệm ông.

Khoảng tết năm 559, Văn Tuyên Đế viếng thăm Cao Tuấn và Cao Hoán. Ban đầu, ông cảm thấy thương hại họ và tính đến việc phóng thích, song do lời thuyết phục của một hoàng đệ khác là Trường Quảng vương Cao Đảm, ông đã không làm như vậy, thậm chí còn dùng thương đâm xuyên qua họ. Ông cũng ra lệnh ném các ngọn đuốc vào họ, thiêu chết hai người. Ông ban vợ của các vương gia này cho các binh lính đã gây ra cái chết cho họ.

Vào mùa hè năm 559, Văn Tuyên Đế nghi ngờ rằng các thành viên hoàng tộc họ Nguyên của Bắc Ngụy cuối cùng sẽ cố tìm cách nắm lại quyền lực, vì thế ông đã ra lệnh thảm sát Nguyên gia, bất kể tuổi tác hay giới tính, tất cả 721 người và cho ném thi thể của họ xuống Chương Thủy. Chỉ có một vài hộ đặc biệt thân cận với Cao gia mới được tha.

Vào mùa thu năm 559, Văn Tuyên Đế lâm trọng bệnh, các sử gia tin rằng căn bệnh bắt nguồn từ chứng nghiện rượi của ông. Ông ta nói với Lý hoàng hậu: "Một con người đã sinh ra ắt rồi sẽ tử, nên không có gì phải hối tiếc, song con trai Cao Ân của chúng ta còn quá trẻ, và người khác sẽ đoạt lấy ngai vàng của nó." Ông ta nói với Cao Diễn: "Hãy tiến lên và đoạt lấy ngai vàng, song đừng giết nó!" Tuy nhiên, Văn Tuyên Đế đã không thay đổi thứ tự kế vị, và sau khi ông ta băng hà, Cao Ân đăng cơ kế vị, tức Phế Đế.

Cao Dương tàn nhẫn nên các quan lại đều kinh sợ ông ta. Trong đám tang, các quan đã cố gắng than khóc nhưng không ai có thể nhỏ một giọt nước mắt mà chỉ kêu than lấy lệ, ngoại trừ Dương Âm.